Cổ tích giữa đời thường: Chuyện kể về những người mang sứ mệnh “Sổ Hồng”

25/06/2019

KỲ 1: 30 NĂM HÀNH TRÌNH LẶN LỘI CỦA BÀ MẸ NHẬT BẢN ĐẾN VỚI TRẺ EM VIỆT NAM

“Tôi có một ước nguyện, trước khi tôi chết, tất các các bà mẹ và trẻ em Việt Nam đều có Sổ theo dõi sức khỏe để dùng”. Người mẹ ấy có tên Akemi Bando – sinh năm 1951 tại Nhật Bản

Không phải một tỷ phú hay triệu phú; cũng không phải người công tác trong ngành Y tế gánh trên vai sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cho các bà mẹ, trẻ em. Nhưng với tình yêu trẻ vô bờ bến, những khắc khoải khi đứng trước trẻ em khuyết tật, bà Bando đã làm được điều không phải ai cũng có thể – lặn lội suốt 30 năm để mang cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em đến Việt Nam, vì tương lai trẻ em Việt Nam.

Bén duyên với trẻ em Việt Nam

Những năm cuối thập kỷ 80, bà Bando là giáo viên một ngôi trường dành cho trẻ em khuyết tật tại Kyoto của Nhật Bản. Tình yêu trẻ luôn là ngọn lửa âm ỉ cháy trong trái tim người “thầy”.

Bà Bando từng là giáo viên một ngôi trường dành cho trẻ em khuyết tật tại Kyoto của Nhật Bản
Bà Bando từng là giáo viên một ngôi trường dành cho trẻ em khuyết tật tại Kyoto của Nhật Bản

Năm 1989, bệnh viện Từ Dũ của Việt Nam có một ca trẻ song sinh dính liền thân cần sự hỗ trợ của bác sỹ nước ngoài để thực hiện ca phẫu thuật tách rời, trong đó có vị Bác sĩ người Nhật Bản. Ca mổ thành công, trở về Nhật Bản, người Bác sĩ ấy mang câu chuyện về cặp song sinh và một số hoàn cảnh của trẻ em khuyết tật Việt Nam đang điều trị tại bệnh viện Từ Dũ kể với đồng nghiệp, bạn bè, trong đó có bà Akemi Bando. Khi nghe câu chuyện ấy, niềm thương cảm, xót xa cứ thôi thúc bà từng ngày, từng ngày. Nhờ người bác sĩ kết nối với bệnh viện Từ Dũ, năm 1990 bà tự mình lặn lội đến với Việt Nam lần đầu tiên.

Chứng kiến hoàn cảnh thương tâm của biết bao trẻ em khuyết tật tại đây, bà Bando đã đề nghị được thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ em khuyết tật ở một địa phương. Với sự giới thiệu của một bác sỹ tại bệnh viện Từ Dũ, bà đã đến với Bến Tre ngay trong lần đó.

Khi ấy tại Miền Nam Việt Nam, chiến tranh mới đi qua 15 năm, còn để lại biết bao hậu quả. Là một tỉnh nghèo nhất vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, nhiều nơi chưa có điện, cuộc sống của trẻ em còn vô vàn khó khăn. Người phụ nữ 39 tuổi khi ấy một mình đến các vùng quê thăm những gia đình có trẻ em khuyết tật. Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện thương tâm.

Trở về Nhật Bản, bà bắt đầu kêu gọi các cá nhân, phụ huynh nơi mình giảng dạy, rồi từng bước kêu gọi đến một số doanh nghiệp, một vài tờ báo, đài truyền hình ủng hộ đưa tin về trẻ khuyết tật tại Việt Nam và dự định của Bà.

Ngay trong năm 1990 tại Nhật Bản, bà đã kêu gọi ủng hộ được 80.000 USD cho trẻ em của một đất nước mà mình chẳng hề có chút liên quan.

Bà Akemi Bando với trẻ em khuyết tật huyện Giồng Trôm – tỉnh Bến Tre
Bà Akemi Bando với trẻ em khuyết tật huyện Giồng Trôm – tỉnh Bến Tre

Trở lại Bến Tre, bà cùng một số tình nguyện viên thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật. Kinh phí hết, bà lại trở về Nhật Bản vừa làm việc, vừa kêu gọi ủng hộ, rồi có tiền bà lại mang đến cho trẻ em khuyết tật Việt Nam. Cuối năm 1990, bà cùng những tình nguyện viên thành lập Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam – Nhật Bản. Kể từ đó, Việt Nam như gia đình thứ hai của bà. Hàng năm có bao nhiêu chuyến đi đi về về, kể không xiết.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam tặng hoa các cá nhân có công sáng lập Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật của tỉnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam tặng hoa các cá nhân có công sáng lập Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật của tỉnh

Qua nhiều chương trình trợ giúp trẻ em khuyết tật tại Việt Nam, người phụ nữ ấy lại đau đáu một điều: Cần có giải pháp tốt hơn giúp giảm bớt nguy cơ khuyết tật ở trẻ. Có như vậy mới bớt đi những hoàn cảnh đáng thương. Và khi đó bà nghĩ đến cuốn Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em đã được sử dụng hiệu quả qua nhiều năm tại Nhật Bản.

30 năm “vất vả con thoi”, mang hạnh phúc đến các bà mẹ và trẻ em Việt Nam

Cuốn Sổ TDSKBM&TE được Nhật Bản sử dụng từ năm 1942 và đến năm 1948 được áp dụng trên toàn đất nước, giúp Nhật bản giảm mạnh tỉ lệ tai biến sản khoa ở phụ nữ mang thai và tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, đồng thời góp phần giúp trẻ em Nhật bản có thể lực và trí lực tốt hơn.

Sổ theo dõi Sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã có mặt tại Nhật Bản hơn 70 năm (Người đàn ông trong ảnh là bạn của bà Bando)
Sổ theo dõi Sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã có mặt tại Nhật Bản hơn 70 năm (Người đàn ông trong ảnh là bạn của bà Bando)

Ngay từ khi mới sinh ra, bà Bando đã được đón nhận những điều tốt đẹp của cuốn Sổ. Sau này các con của bà cũng được chăm sóc và đón nhận tình yêu thương bà dành tặng trong cuốn Sổ ấy. Trên đất nước mặt trời mọc, những đứa trẻ được sinh ra có Sổ hồng đã hạnh phúc biết bao.

Sổ là cuốn cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ khi mang thai và sinh đẻ. Sổ ghi lại hành trình chăm sóc trẻ từ khi ra đời đến năm trẻ 6 tuổi. Trong đó không chỉ là những thông tin, kiến thức mà còn là tình yêu của cha mẹ dành cho con, sự quan tâm của ngành Y tế và xã hội đối với tương lai con. Đó là hành trang để mỗi đứa trẻ lớn lên một cách khỏe mạnh và biết sống trách nhiệm hơn với chính bản thân mình, với gia đình và với xã hội.

Sổ là không chỉ là cẩm nang, kiến thức mà còn là tình yêu của người mẹ, sự quan tâm của  ngành Y tế và xã hội đối với con
Sổ là không chỉ là cẩm nang, kiến thức mà còn là tình yêu của người mẹ, sự quan tâm của
ngành Y tế và xã hội đối với con

Thấy được ý nghĩa tuyệt vời đó, bà Bando đã thực hiện một hành trình biến ước mơ thành hiện thực – đưa cuốn Sổ tới Việt Nam, bắt đầu từ việc biên dịch một cách thật cẩn trọng để nội dung Sổ phù hợp với con người, xã hội Việt Nam và giúp cho việc dùng Sổ đơn giản, hiệu quả hơn.

Năm 1998, bà giới thiệu với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về cuốn Sổ và thuyết phục để triển khai chương trình cấp phát Sổ tại địa phương với kinh phí hoàn toàn do Bà và Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam – Nhật Bản hỗ trợ. Nhận thấy sự hữu ích của Sổ trong việc chăm sóc sức khỏe các em bé, năm 2003 Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre đã gặp, cảm ơn bà Bando và quyết định tự cấp ngân sách in Sổ cho các bà mẹ trong tỉnh. Dành ngân sách của chương trình tài trợ từ các quỹ của bà cho các địa phương khác.

Cuốn Sổ TDSKBM&TE có mặt tại tỉnh Bến Tre lần đầu tiên năm 1998
Cuốn Sổ TDSKBM&TE có mặt tại tỉnh Bến Tre lần đầu tiên năm 1998

Năm 2006, để mang lại sự ảnh hưởng của chương trình Sổ với Việt Nam và các nước trong khu vực, Bà Bando đã thuyết phục Ủy ban sử dụng Sổ TDSKBM&TE thế giới tổ chức Hội nghị Sổ TDSKBM&TE thế giới lần thứ 5 tại tỉnh Bến Tre. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều nước trên thế giới và 30 tỉnh trong cả nước. Sở Y tế các tỉnh rất mong muốn được đưa cuốn sổ về với tỉnh nhà. Thấy được điều này, bà Bando lại tiếp tục vận động Bộ Y tế và kêu gọi các tổ chức Nhật Bản để xin tài trợ cho chương trình Sổ tại Việt Nam.

Từ quê hương Kyoto nơi bà sống và làm việc đến thủ đô Tokyo là chặng đường cách trở 500km. Nhưng người phụ nữ ấy đã không biết mệt mỏi đi – về gặp các tổ chức để xin tài trợ cho trẻ em Việt Nam. Cũng không biết bao lần bay đi, bay về giữa Nhật Bản và Việt Nam để thực hiện các chương trình tài trợ, phát sổ cho các bà mẹ và trẻ em trên đất nước hình chữ S thân thương này.

Sau khi nghiên cứu tình hình tại Việt Nam, tiếp sau Bến Tre là một tỉnh vùng sông nước Nam Bộ, bà Bando đã chọn những địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn, vùng núi cao hiểm trở nơi có các đồng bào thiểu số triển khai Sổ để lấy kinh nghiệm tiến tới triển khai rộng rãi.

Sổ được áp dụng triển khai trước tiên tại các tỉnh còn gặp khó khăn, vùng sâu vùng xa
Sổ được áp dụng triển khai trước tiên tại các tỉnh còn gặp khó khăn, vùng sâu vùng xa

Năm 2009, Sổ TDSKBM&TE được bà đưa đến từng làng, bản của tỉnh Hà Giang để chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em nơi đây.

Nghị lực và tình yêu vô bờ bến của bà đã khiến các tổ chức phi chính phủ đồng ý tài trợ kinh phí để in ấn, cấp phát sổ trong đó có Jica đã tài trợ cho 4 tỉnh đầu tiên tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Và sau này là tổ chức EU, NORED… Đến nay, tại Việt Nam đã có 53 tỉnh đã và đang triển khai sử dụng Sổ.

Đến nay có 53 tỉnh tại Việt Nam đang triển khai sử dụng Sổ
Đến nay có 53 tỉnh tại Việt Nam đang triển khai sử dụng Sổ

Năm 51 tuổi, khi đang làm giảng viên trường đại học Osaka – Nhật Bản, bà xin nghỉ công việc giảng dạy để tập trung cho các hoạt động về Sổ tại Việt Nam. Đồng thời bà cũng lan truyền tầm ảnh hưởng của Sổ và mang Sổ đến với rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đó là hành trình thấm bao giọt mồ hôi để gieo yêu thương đến triệu triệu trẻ em trên trái đất này.

Cuốn Sổ đã được mang tới nhiều quốc gia trên thế giới
Cuốn Sổ đã được mang tới nhiều quốc gia trên thế giới

Có một ước mơ và tình yêu vô bờ bến với trẻ em Việt Nam

Nơi đầu tiên mà bà Bando mang cuốn Sổ hồng tới đó là đất nước Việt Nam, trẻ em Việt Nam. Nay bước sang tuổi 65, lẽ ra đó là cái tuổi để nghỉ ngơi và quây quần bên con cháu. Bà có hai người con – một trai, một gái và 4 đứa cháu. Gia đình – yêu thương là thế, nhưng bước chân của người phụ nữ ấy vẫn chưa từng ngơi nghỉ suốt 30 năm qua với những chuyến bay qua lại giữa hai đất nước: Nhật Bản và Việt Nam.

Bà Akemi Bando: “Có một Việt Nam luôn trong trái tim tôi”
Bà Akemi Bando: “Có một Việt Nam luôn trong trái tim tôi”

Điều gì đã làm nên câu chuyện đẹp như cổ tích này? Đó chính là tình yêu! Bà Bando yêu trẻ em Việt Nam bằng tình yêu thương của một người mẹ, một người bà, tình yêu ấy vô bờ bến và vượt ra ngoài ranh giới quốc gia.

Bà từng chia sẻ: “Tôi đã làm công việc này 30 năm qua, nhưng tình yêu với trẻ em là sức mạnh khiến tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi hay khó khăn. Vì tôi biết rằng, tình yêu ấy sẽ giúp tôi làm được nhiều điều hơn nữa. Tôi có một ước nguyện, trước khi tôi chết, tất các các bà mẹ và trẻ em Việt Nam đều có Sổ theo dõi sức khỏe để dùng”.

Bà Bando - Người truyền lửa cho những ai đồng hành cùng chương trình Sổ và truyền tình yêu Sổ đến với các bà mẹ Việt Nam
Bà Bando – Người truyền lửa cho những ai đồng hành cùng chương trình Sổ và truyền tình yêu Sổ đến với các bà mẹ Việt Nam

Người phụ nữ Nhật Bản ấy đã thổi một ngọn lửa nhiệt huyết cho bất kỳ ai từng đồng hành cùng chương trình Sổ, ngày đêm miệt mài làm công việc đưa Sổ đến với các bà mẹ Việt Nam. 30 năm không dễ dàng với bất cứ ai khi làm công việc này một cách vô điều kiện, không chút đòi hỏi cho bản thân. Câu nói của bà đã khiến chúng tôi – những người đang bước tiếp theo dấu chân 30 năm ấy thực sự nghẹn ngào, xúc động. Càng xúc động hơn khi biết rằng suốt bấy nhiêu năm qua lại với Việt Nam, bà vẫn tiết kiệm từng đồng cho chương trình Sổ, bà không chọn nghỉ tại khách sạn mà ngủ nhờ tại nhà riêng một bà bạn Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình Sổ với bà trong nhiều năm qua.

Chứng kiến câu chuyện của bà, chúng tôi tự hứa với mình và thầm hứa với Bà: Sẽ cố gắng hiện thực hóa ước mơ của Bà trong thời gian sớm nhất, để bà có được niềm hạnh phúc khi tận mắt nhìn thấy mong ước của mình trở thành hiện thực: Tất cả các bà mẹ và trẻ em Việt Nam đều được sử dụng Sổ.

Thật hạnh phúc khi thấy các bà mẹ, trẻ em có Sổ để dùng
Thật hạnh phúc khi thấy các bà mẹ, trẻ em có Sổ để dùng

Tâm huyết, vất vả và sự nỗ lực suốt 30 năm qua của bà khiến mỗi người mẹ không khỏi suy ngẫm: Phải trân trọng và sử dụng cuốn Sổ này một cách hiệu quả hơn nữa để bảo vệ tương lai của chính con mình và không phụ một tình yêu, trái tim bao la của người mẹ Nhật Bản đã dành cả cuộc đời cho hạnh phúc của các bà mẹ và trẻ em Việt Nam.

Có một người mẹ Nhật Bản luôn khắc khoải, đau đáu về những người mẹ, những em bé Việt Nam còn chưa được dùng sổ. Các Mẹ à! Khi các Mẹ cầm cuốn Sổ Hồng trên tay hay đang được nhận một phần sự trợ giúp từ chương trình Sổ, ấy là chúng ta đang được đón nhận tình yêu ngọt ngào nhất của người mẹ vĩ đại này.

Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất từ tận trái tim mình và xin hứa với bà, chúng ta sẽ nỗ lực để có thể mang Sổ đến với tất cả các bà mẹ và trẻ em Việt Nam, và giúp các bà mẹ sử dụng cuốn Sổ một cách hiệu quả nhất, để các con của chúng ta – những trẻ em Việt Nam có được tương lai tốt nhất mà con xứng đáng được hưởng.

Các Mẹ hãy viết lời cảm ơn Bà bằng cảm nghĩ của mình dưới bài viết này. Lời Cảm ơn ấy sẽ đến được với bà Akemi Bando, bởi bà cũng hay xem thông tin trên trang này. Hãy gửi lại lời cảm ơn của mình đến Bà các Mẹ nhé.

“Còn gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Tình yêu thương con người quả là điều vi diệu nhất trong cuộc sống này!